Các tác phẩm điện ảnh và tác phẩm sân khấu đều là những tinh hoa nghệ thuật được tạo nên bởi tâm huyết và sự sáng tạo của biết bao người. Vậy, những chủ thể góp phần tạo nên các tác phẩm này sẽ được hưởng quyền tác giả như thế nào, có gì khác nhau? Bài viết sau đây sẽ chỉ ra các quy định pháp luật về quyền tác giả đối với tác phẩm điện ảnh, tác phẩm sân khấu.
1. Tác phẩm điện ảnh, tác phẩm sân khấu là gì ?
– Khái niệm về tác phẩm điện ảnh: Là tác phẩm được thể hiện bằng hình ảnh động kết hợp hoặc không được kết hợp với âm thanh, các phương tiện khác theo nguyên tắc của ngôn ngữ điện ảnh.(Căn cứ theo khoản 1 Điều 12 Nghị định 22/2018/NĐ-CP)
– Khái niệm về tác phẩm sân khấu: Là tác phẩm thuộc loại hình nghệ thuật biểu diễn, bao gồm: Chèo, tuồng, cải lương, múa rối, kịch nói, kịch dân ca, kịch hình thể, nhạc kịch, xiếc, tấu hài, tạp kỹ và các loại hình nghệ thuật biểu diễn khác.(Căn cứ Điều 11 Nghị định số 22/2018/NĐ-CP).
2. Những chủ thể được coi là tác giả của các tác phẩm điện ảnh, sân khấu
– Những chủ thể được coi là tác giả của tác phẩm điên ảnh gồm:
+ Người làm công việc đạo diễn, biên kịch, quay phim, dựng phim
+ Người sáng tác âm nhạc
+ Người thiết kế mỹ thuật
+ Người thiết kế âm thanh, ánh sáng, mỹ thuật trường quay, thiết kế đạo cụ, kỹ xảo
+ Người làm các công việc khác có tính sáng tạo đối với tác phẩm điện ảnh.
– Những chủ thể là tác giả đối với tác phẩm sân khấu gồm:
+ Người làm công việc đạo diễn, biên kịch, biên đạo múa
+ Người sáng tác âm nhạc
+ Người thiết kế mỹ thuật
+ Người thiết kế âm thanh, ánh sáng, mỹ thuật sân khấu, thiết kế đạo cụ, kỹ xảo
+ Người làm các công việc khác có tính sáng tạo đối với tác phẩm sân khấu.
3. Quyền tác giả đối với tác phẩm điện ảnh, tác phẩm sân khấu
Những người làm các công việc quy định tại phần 2 trên có tác phẩm điện ảnh, sân khấu được hưởng các quyền tác giả quy định tại Khoản 1, 2, 4 Điều 19 Luật Sở hữu trí tuệ gồm các quyền sau:
– Quyền đặt tên cho tác phẩm
– Quyền đứng tiên thật hoặc bút danh trên tác phẩm
– Quyền được nêu tên thật hoặc bút danh khi tác phẩm được công bố và sử dụng
– Quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, không cho cá nhân hay tổ chức khác sửa chữa, cắt xén, xuyên tác tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào mà gây phương hại đến danh dự, nội dung và uy tín của tác giả sở hữu.
Bên cạnh đó, các chủ thể trên còn được hưởng các quyền tác giả đối với tác phẩm điện ảnh, sân khấu khác theo thỏa thuận trong trường hợp cá nhân, tổ chức đầu tư tài chính, cơ sở vật chất – kỹ thuật để sản xuất tác phẩm điện ảnh, tác phẩm sân khấu là chủ sở hữu các quyền quy định tại Khoản 3 Điều 19 và Điều 20 của Luật Sở hữu trí tuệ 2005, bao gồm:
+ Quyền được công bố tác phẩm hoặc cho phép cá nhân, tổ chức khác công bố tác phẩm.
+ Quyền được làm tác phẩm phái sinh
+ Quyền biểu diễn tác phẩm trước công chúng
+ Quyền được sao chép tác phẩm.
+ Quyền được phân phối, nhập khẩu bản gốc, bản sao tác phẩm.
+ Quyền truyền đạt tác phẩm đến công chúng bằng phương tiện hữu tuyến, vô tuyến, mạng thông tin điện tử hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào khác.
+ Quyền cho thuê bản gốc, bản sao tác phẩm điện ảnh
*Lưu ý: Những chủ thể là tổ chức, cá nhân đầu tư tài chính và cơ sở vật chất – kỹ thuật để sản xuất tác phẩm phải có nghĩa vụ trả tiền nhuận bút, thù lao và các quyền lợi vật chất khác theo thỏa thuận với các chủ thể sau:
+ Người làm công việc đạo diễn, biên kịch, quay phim, dựng phim, sáng tác âm nhạc, thiết kế mỹ thuật, thiết kế âm thanh, ánh sáng, mỹ thuật trường quay, thiết kế đạo cụ, kỹ xảo và các công việc khác có tính sáng tạo đối với tác phẩm điện ảnh
+ Người làm công việc đạo diễn, biên kịch, biên đạo múa, sáng tác âm nhạc, thiết kế mỹ thuật, thiết kế âm thanh, ánh sáng, mỹ thuật sân khấu, thiết kế đạo cụ, kỹ xảo và các công việc khác có tính sáng tạo đối với tác phẩm sân khấu.
Trên đây là tổng hợp các quyền tác giả đối với tác phẩm điện ảnh, tác phẩm sân khấu mà tác giả được hưởng theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam.
Nếu có bất kỳ thắc mắc nào liên hệ tổng đài 1900.8698 sẽ có Luật sư chuyên môn phụ trách giải đáp và tư vấn cho bạn chi tiết.
>>Tham khảo: Phân biệt quyền tác giả và quyền liên quan